Nghệ sĩ Lê Huy và Dự án Nhâm Nhi Dần

[LUXUO] NHÂM NHI DẦN là dự án Con giáp thường niên được nghệ sĩ Lê Huy, nhà sáng lập Lamphong Studio thực hiện dành riêng cho Tết Nhâm Dần 2022.  Chữ “Nhâm Nhi Dần” gợi nhắc việc chậm lại ngắm nhìn cuộc sống, đặc biệt trong thời điểm những xáo trộn bất ổn ngày càng dày thêm. Hãy cùng LUXUO và Art Republik nhìn lại quá trình Lê Huy và đội ngũ miệt mài cho dự án ý nghĩa này.

Được biết, nghệ sĩ Lê Huy thực hiện Nhâm Nhi Dần vào tháng 7 vừa qua, lúc dịch bệnh đang cao trào, anh lại bị cách ly, nhưng trong tình huống khó khăn như vậy, concept dự án lại thật thú vị, tươi mới và dễ thương. Anh có thể chia sẻ về sự tiếp cận ngẫu hứng mà ý nghĩa này?

Tôi bắt đầu làm Hổ vào cuối tháng 7, khi Hà Nội đang giãn cách xã hội và tôi thì “mắc kẹt” ở Xưởng vì cả khu tập thể bị cách ly. Ý tưởng về một chú hổ béo, má phính, mắt híp, rực rỡ trong lửa được vẽ ra từ đầu năm nhưng vật vã làm mẫu mấy lần đều bỏ dở, mãi đến lúc đó mới ngồi im để làm một lèo đến tận bây giờ.

Lúc đó, tôi một mình ở xưởng, ban đầu cũng khá hoang mang nhưng cũng dần điều tiết lại, nghĩ tích cực và bắt tay vào thực hiện ý tưởng. Trong đầu tôi nghĩ, hết 14 ngày sẽ làm xong tạo hình hổ bằng đất để có thể thử nghiệm các chất liệu khi hết thời gian cách ly.

Những ngày đó, cầu thang khu tập thể bị khoá chặt, sáng sớm, bản thân lại bị đánh thức bởi tiếng ù ù của máy phun khử khuẩn, ngó qua cửa sổ thấy xe cứu thương đỗ sẵn, cũng lo lắng lắm! Tôi cứ đếm từng ngày, ghi lại công việc, và cặm cụi làm. Cứ nhẩn nha từng ngày, làm đất, uống trà, ăn lạc nên hổ năm nay có hình củ lạc, cho nó vui… (cười).

Cảm giác rất chậm đó khiến tôi nghĩ đến chữ: Nhâm Nhi Dần, cứ như là nhấm nháp thời gian trôi, thật chậm, thật chậm. Chính lúc này, chỉ có mỗi một cách tích cực là làm việc, là nhâm nhi dần từng cảm xúc, để luôn tích cực và hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến

Và như thế, tôi tạo nên “NHÂM nhi DẦN”, một chú hổ con bép múp, đứng trong bão lửa, tay cầm bông sen vàng đầy hạnh phúc. Không thét gầm, nhe nanh, xoè vuốt… mà cười sung sướng, sảng khoái, liên tưởng, ẩn dụ hình ảnh của phật Di Lặc – vị phật hiện thân cho tương lai, hạnh phúc và an nhàn.

“Nhâm Nhi Dần” cũng gợi đến việc sống chậm lại để ngắm nhìn cuộc sống. Dù trong thời kỳ dịch bệnh, những khó khăn ngày càng dày lên, những bất ổn xáo trộn, những vất vả mưu sinh, những mệt mỏi trong những đợt giãn cách dài ngày… thì cuộc sống vẫn không ngừng tiếp diễn.

Được biết, anh khai thác ý tưởng Nhâm Nhi Dần từ những câu chuyện dân gian, biểu tượng, hình ảnh trong điêu khắc và thủ công truyền thống. Anh có thể chia sẻ thêm?

Thật vậy! Tôi dùng dạng thức hoa văn mây lửa dân gian, cách điệu và khắc nổi trên thân hổ, như bao trọn tổng thể. Hình tượng hổ trong tâm thức người Việt đã luôn gắn liền với lửa, trong những sự tích, truyền thuyết về hổ đều có sự xuất hiện của lửa. Dải hoa văn mây – lửa trên lưng hổ được mượn ý từ dải hoa văn trên sống lưng hình tượng Nghê trong Mỹ thuật cổ. Đó là tướng của rồng, đó là biến thể của dãy kỳ thể hiện tính mềm mại, bay bổng mang tinh thần của linh vật. Lửa-cháy trong nhiều câu chuyện dân gian còn thường được kể với những trận cháy rừng, những thiên tai… như một sự liên tưởng đến những hoạn nạn, khó khăn, dịch bệnh mà chúng ta đang phải trải qua. Nhưng trong bão lửa, hổ vẫn đứng vững, vẫn vượt qua và vẫn luôn cười. Nhìn chi tiết, hoạ tiết mây lửa trên thân hổ được chuyển hoá từ hình quả Phật thủ, lửa như những ngón tay bao bọc, ở một góc nhìn khác, lửa không còn là lửa của hiểm nguy nữa mà là bao bọc.

Ở phác thảo ban đầu, tôi vẽ hổ cầm một quả cầu lửa chứ không phải bông sen, tôi còn thử cả phương án ôm một chú hổ con trong tay… cứ tìm hình, tôi nghĩ đến giọt nước. Tôi suy tư đơn giản, giống như hoả hoạn, chúng ta cần nước, cần thứ gì đó để dập lửa. Từ hình giọt nước được vẽ ra tôi liên tưởng đến một búp sen. Như một niềm tin, một đức tin. Tôi nghĩ niềm tin, hướng đến những điều tươi sáng và tích cực là điều quan trọng nhất trong những lúc khó khăn, dịch bệnh như thế này.

Tôi đọc và xem nhiều về các hình tượng, hoa văn, vốn cổ trong điêu khắc dân gian và chọn chuyển thể “búp sen hoá mây” trên cột đá hình bút lông (1760) trước toà Đại Bái ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám làm điểm nhấn cho Nhâm Nhi Dần. Những nghệ nhân dân gian xưa đã tạo tác ngọn bút giống như một búp sen, có hình mây cuộn trong từng cánh mang bóng dáng của lá đề. Những yếu tố đó đồng hành tạo nên một biểu tượng ẩn chứa những thông điệp triết lý sâu sắc của văn hóa Việt – là tri thức, nhân nghĩa và truyền thống tôn sư trọng đạo và niềm tin hướng đến những điều tốt đẹp. Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế có viết: “Nếu có thể chọn một hình tượng thể hiện đầy đủ nhất triết lý Nho-Phật-Lão tịnh hành, tôi nghĩ tới búp-sen-mây này.”

Anh đã dành thời gian bao lâu cho dự án này, và có gặp khó khăn gì trong dự án hay không?

Vì là dự án thường niên của Lamphong studio nên tôi lên ý tưởng sơ bộ từ đầu năm nhưng thật sự bắt tay vào từ tháng 7. Tôi đã trải qua gần 7 tháng để thực hiện dự án này.

Với riêng các nhân tôi, khó khăn nhất chính là việc thực hiện Phiên bản Lật đật. Đây là phiên bản tôi theo đuổi từ những ngày đầu, chi phối tạo hình và cả chất liệu. Tôi muốn tạo nên hình tượng Nhâm Nhi Dần là một chú hổ không thể ngã, dù khó khăn dịch bệnh, vẫn không thể bị quật ngã, vẫn luôn đứng dậy và luôn cười. Tôi đã thử nghiệm rất rất nhiều lần với các chất liệu khác nhau, để cho Hổ có thể lật đật được. Đến cuối cùng, tôi phải cân đo từng con một, khi đạt được độ nhẹ nhất định kèm với phần bi sắt nặng được đúc bên trong mới thì mới đảm bảo có thể đứng được. Đã sản xuất vô vàn bản mẫu, hỏng và bỏ đi rất nhiều vì đúc mỏng sẽ bị móp méo, đúc dày thì an toàn nhưng lại quá nặng. Với phương thức sản xuất thủ công hoàn toàn, tôi bắt buộc phải chọn cách thực hiện số nhiều rồi loại những bản không đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, quá trình sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều ngày giãn cách, các xưởng sản xuất đều bị ngưng chệ, nhân công thiếu, chi phí sản xuất đều bị đội lên rất cao. Thông thường, tôi sẽ đảm nhiệm toàn bộ các phần thiết kế, tạo hình, tạo mẫu sau đó đưa bản mẫu về làng nghề để thực hiện sản xuất số lượng. Chúng tôi sẽ chỉ kiểm tra chất lượng và hoàn thiện tinh chỉnh lại bước cuối cùng trước khi gửi sản phẩm đến tay mọi người. Nhưng năm nay, tôi phải kéo toàn bộ phần sơn mài về studio. Xưởng của tôi rất nhỏ, các bạn cộng sự làm việc 12 tiếng/ngày và đều đeo khẩu trang toàn bộ thời gian. Liên tục như vậy trong mấy tháng, như làm việc mà phải nín thở vậy.

Trong bộ sản phẩm Nhâm Nhi Dần có rất nhiều hạng mục, cốt gốm, sen đồng, sen bạc, bộ lịch, sách giới thiệu, hộp… mỗi hạng mục lại là một đơn vị thực hiện khác nhau. Tôi kiểm soát toàn bộ quy trình ấy trong trạng thái lúc nào cũng lo dịch ập đến. Như phần in ấn sách, lịch và hộp, chúng tôi mất 2 tháng để thực hiện. Ngay khi vừa lấy toàn bộ hộp ra khỏi xưởng in, thì xưởng có 20 ca F0 phải đóng cửa. Làm việc trong trạng thái đó thật sự rất cân não và nhiều rủi ro. Tuy thế, chúng tôi cũng đã hoàn thành được dự án, cố gắng mang đến sản phẩm hoàn thiện nhất, chỉn chu nhất.

Từ dự án Nhàn Ngưu (Trâu Hạt Mít) năm ngoái đến Nhâm Nhi Dần năm nay, có vẻ như Lê Huy luôn giữ được cái nhìn rất duyên, rất dễ thương trong cách tạo hình, trong ý niệm dự án. Điều đó có liên hệ gì đến đời sống tinh thần và suy tư của anh hay không? Đặc biệt như anh vẫn chia sẻ là đại dịch đã đi và ở lại chúng ta suốt hơn 2 năm qua?

Tôi luôn thích góc nhìn của trẻ nhỏ và luôn nghĩ những sản phẩm mình tạo ra giống như một món đồ chơi có tương tác và gây thú vị bất ngờ với người xem. Tôi không tạo nên hình tượng một con vật mà chỉ muốn mượn hình tượng của để kể những câu chuyện thường ngày, những điều đã diễn ra trong một năm và như lời chúc cho một năm mới. Nhâm Nhi Dần với tôi cũng thế, những ngày giãn cách với tôi cũng mệt mỏi, cũng căng thẳng, chán nản…

Có lẽ, tất cả mọi người đều mong dịch bệnh sớm đi qua để cuộc sống trở lại bình thường, để được đi làm, được gặp gỡ nhau, để có thể hít thở một cách thoải mái.. Tôi cũng có những nỗi buồn, và nhìn thấy rất nhiều những nỗi buồn, những mất mát của mọi người. Và trong dịch bệnh, trong khó khăn tôi thấy mọi người vẫn thương yêu nhau, chia sẻ, lan toả những điều tích cực để hướng về phía trước. Tôi đã đọc được những điều rất hay từ Facebook của hoạ sỹ Nguyễn Thanh Bình: “Đừng tìm cách sáng tác hay sáng tạo, hay tìm cách bày tỏ”. Những dự án của tôi là sự bày tỏ và rất may rằng mọi người đồng cảm và chia sẻ lại với tôi những niềm vui, hạnh phúc ấy.

Có một chi tiết rất nhỏ được giấu trong Hổ Củ Lạc, mọi người thường thấy hổ cười, vui vẻ sảng khoái nhưng để ý kỹ, chú hổ của tôi có hai hàng nước mắt. Đó không phải nước mắt chảy xuống mà chảy ra phía sau khoé mắt, là nước mắt khi vượt qua khó khăn, là nước mắt của hạnh phúc.

Khi tôi và Lamphong Studio thực hiện những dự án Tết, nhiều người nói tôi nên làm trước cho các năm sau để khỏi gấp vội và có thể chủ động hơn trong sản xuất. Nhưng tôi không thể làm trước bởi tôi muốn phản ánh những gì đang diễn ra hàng ngày, câu chuyện của ngày hôm nay trên hình tượng con giáp của năm mới, cho từng năm, từng câu chuyện riêng biệt. Như một lời chúc, như một thông điệp, một món quà cho năm mới dành cho mọi người và cho bản thân tôi.

Anh có thể giới thiệu thêm về các phiên bản của Nhâm Nhi Dần?

Trong thời kì dịch và giãn cách dài ngày nên tôi cũng có nhiều thời gian để thử nghiệm hơn với các bản cốt composite, cốt gốm, lật đật và các dạng màu sơn mài khác nhau. Thực tế khi thực hành nghệ thuật và làm việc với chất liệu sẽ tạo ra rất nhiều đáp án, mỗi phiên bản sẽ có một biểu cảm riêng. Tuy nhiên, khi làm sản phẩm thủ công và đòi hỏi mức độ hoàn thiện ở chất lượng cao bắt buộc phải làm nhiều và sàng lọc kiểu “bó đũa chọn cột cờ”, tinh lọc những sản phẩm tốt nhất, chỉn chu nhất trước khi gửi đến tay mọi người.

Nhâm Nhi Dần có 4 phiên bản sơn mài và 1 phiên bản đồng giới hạn. Sự khác nhau nằm chủ yếu ở chất liệu cốt bên trong và bông sen. Bông sen dù là thành phần nhỏ nhất nhưng lại đòi hỏi sự tỉ mỉ nhất. Chúng tôi đúc những bông sen bằng đồng nguyên liệu từ những vỏ đạn 12.7mm (12 ly 7) bởi thành phần đồng trong vỏ đạn rất cao, có thể giữ được màu vàng óng lâu bị xuống màu nhất (oxi hoá). Các phiên bản cao hơn bông sen được đúc bằng bạc 925 nguyên khối. Riêng trên bản Hổ bằng đồng, tôi đính một viên kim cương nhỏ trên chóp của búp sen, tôi không gắn kim cương vì nó đắt mà muốn thể hiện giống như một bông sen đang ngậm sương vậy. Với tôi chất liệu gì, đắt tiền hay rẻ tiền cuối cùng cũng để truyền tải điều mà mình mong muốn.

Có nhiều phiên bản khác nhau để thoả mãn những điều tôi có thể nghĩ được, là kết quả của thử nghiệm và thực hành. Tôi cũng không nhắm mục đích là sẽ phục vụ đối tượng khách hàng là ai. Tôi thấy những người yêu mến Nhâm Nhi Dần dễ thương lắm, tôi thấy họ đồng cảm với mình, yêu quý mình, thích thú với chú hổ nhỏ này và muốn mua để như một vật kỷ niệm.

So với Trâu Hạt Mít thì Nhâm Nhi Dần năm nay có gì khác biệt hơn?

Khách biệt lớn nhất của Nhâm Nhi Dần so với Nhàn Ngưu là tôi không còn làm một mình nữa. Dự án của Lamphong đã mở dần ra. Tôi đã có những cộng sự của mình, có sự đồng hành từ những bạn trẻ, những bạn sinh viên đến cùng thực hiện phần sơn mài, làm việc và cùng tìm hiểu, khai thác những giá trị truyền thống.

Đặc biệt nữa, trong Nhâm Nhi Dần năm nay có một bộ lịch nhỏ gồm 13 bức tranh nhỏ được 13 hoạ sỹ vẽ trong giai đoạn giãn cách. Đó là góc nhìn cuộc sống hàng ngày của những nghệ sỹ. Là những câu chuyện nhỏ, nhẹ nhàng được kể theo góc nhìn, cảm nhận riêng, như cuộc sống hàng ngày diễn ra. Họ nhìn thấy hạnh phúc trong đời sống gia đình, trong những ân cần của người thân, thấy cái bức bí khi xã hội giãn cách, thấy ấm áp trong tình người đùm bọc nhau trong khó khăn, thấy trăn trở, thấy nỗi buồn…

Tôi cảm thấy rất may mắn khi ngỏ lời mời mọi người tham gia cùng Nhâm Nhi Dần mà chưa có bất kì hình ảnh sản phẩm nào nhưng mọi người đã đều đồng ý, bằng một sự tin tưởng và hỗ trợ hết mình. Sự tin tưởng đó với tôi vô cùng đáng quý và trân trọng.

Việc mời các hoạ sỹ cùng tham gia, các bạn cùng thực hiện các khâu sản xuất chính là định hướng và mong muốn của tôi dành cho Lamphong Studio, một xưởng sáng tạo mở, là sân chơi, là không gian để mọi người cùng nhau làm nên những sản phẩm ý nghiã, chứ không chỉ là dự án của riêng cá nhân tôi hoàn toàn.

Khi thực hiện bộ lịch, tôi cùng các hoạ sỹ: Nguyễn Vũ Xuân Lan, Nguyễn Đức Phương, Hiếu Châu, Thái Mỹ Phương, Lai Lai Nguyễn, Nguyễn Trần Trung Tín, Đặng Tuấn, Quỳnh Nguyễn, Nguyễn Việt Cường, Thăng Fly, Trần Công Dũng, Thành Phong, Dũng Vũ, chúng tôi đã lên ý tưởng với nhau thực hiện và bán 10 bộ đặc biệt với 10 bản Hổ lật đật đầu tiên (số 2 đến 11) kèm bộ lịch có đầy đủ chữ ký trực tiếp của các tác giả để ủng hộ những em nhỏ Trường Phổ thông Dân Tộc Bán Trú- Pa Ủ, xã vùng cao Biên giới huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Các em nhỏ chủ yếu là người dân tộc La Hủ, học bán trú tại trường nhưng do thiếu nguồn kinh phí mà đứt bữa, bỏ học. Các thầy cô giáo tại điểm trường đang kêu gọi nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ để các em có bữa ăn tối thiểu, để được đến trường.

Tết Nhâm Dần đang đến thật gần, nghệ sĩ Lê Huy có chia sẻ gì thêm về những dự án mà anh và đội ngũ ấp ủ trong thời gian tới?

Tôi luôn mong muốn và mơ ước xây dựng Lamphong trở thành một Studio mở, tập trung được nhiều hoạ sỹ, nhà thiết kế, các bạn sinh viên cùng tham gia sáng tạo, thực hiện những sản phẩm thủ công, nguyên liệu truyền thống, tạo nên những thiết kế mới, câu chuyện mới cho sản phẩm từ các làng nghề. Qua từng năm, qua Nhâm Nhi Dần tôi đã có thêm nhiều cộng sự, cũng như những dự án kết hợp với các hoạ sỹ, nhà thiết kế khác, đó chính là điều tôi luôn định hướng, để có thể đi dài, có thể cùng nhau góp một phần nhỏ xây dựng cộng đồng những người làm sáng tạo, thủ công, lấy cảm hứng, nguyên liệu từ dân gian, truyền thống.

Chúng tôi đang ấp ủ một dự án sản phẩm kết hợp với những nhà thiết kế trẻ. Nếu dịch không diễn biến phức tạp thì chúng tôi có thể đã hoàn thành trong năm nay. Hi vọng sẽ có thể hoàn thành sớm để giới thiệu với mọi người. Tôi nghĩ đó sẽ là một câu chuyện thú vị và bất ngờ. Mong rằng sẽ luôn được mọi người yêu mến và ủng hộ.

Trang Ps

Nguồn: https://luxuo.vn/culture/suy-tu-sang-tac-p8-nghe-si-le-huy-va-du-an-nham-nhi-dan.html

Similar Posts